image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
BẢO VỆ NỀN TẢNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Lượt xem: 29

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Tham nhũng chính là một trong các nguy cơ đó. Nhận thức được tác hại nguy hiểm của tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Với những kết quả đã được trong công tác PCTN trong thời gian qua đã thể hiện rất rõ quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên các thế lực thù địch lại đang ra sức chống phá chúng ta bằng những luận điệu xuyên tạc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong PCTN.

Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta

Trong thời gian vừa qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá. Do đó, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân phải nhận diện rõ ràng, đấu tranh kiên quyết với âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam.

Thứ nhất, các thế lực thù định cho rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một quốc nạn không có thuốc chữa, mà nguyên nhân khách quan là do chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam. Do đó, họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng. Từ đó, các thế lực thù địch ra sức bài xích chế độ một đảng của Việt Nam, lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải đi theo con đường đa đảng, tam quyền phân lập. Thực chất của luận điểm này là để hạ thấp, phủ nhận vai trò của Đảng ta trong việc lãnh đạo công tác đấu tranh PCTN; đồng thời kêu gọi Nhân dân ta ủng hộ chế độ đa đảng, tam quyền phân lập.

Thứ hai, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh PCTN. Họ cho rằng, đấu tranh PCTN ở Việt Nam chỉ là sự “đấu đá” vì “lợi ich nhóm” của một bộ phận cán bộ nhằm biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ có sai phạm thành chuyện “thanh trừng nội bộ, triệt tiêu phe cánh”.

Đây là những luận điệu hết sức thâm độc nhằm gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta

Trên cơ sở nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác PCTN ở nước ta, chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác bằng những lập luận xác thực, vừa đảm bảo tính lý luận, vừa bám sát thực tiễn.

Trước tiên, cần khẳng định tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, không phải là sản phẩm của riêng chế độ nào. Điều này xuất phát từ khái niệm, bản chất của tham nhũng.

Viện Ngôn ngữ học cho rằng: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền hạn để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của”. Một số tổ chức quốc tế khi đưa ra khái niệm tham nhũng thì gắn tham nhũng với quyền lực nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, như: “Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”; “Tham nhũng là việc lợi dụng quyền lực công nhằm trục lợi cá nhân”... Tham nhũng còn được tiếp cận với tư cách là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học khác nhau, chẳng hạn như khoa học chính trị học cho rằng: “Tham nhũng là do tha hóa quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Nguyên nhân gốc rễ của nó là do việc tổ chức và sử dụng sai lệch quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước“.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại khoản 1 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Khoản 7 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định: “Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng”. Điều ấy có nghĩa là, Nhà nước quy định: không phải trong mọi trường hợp người có chức vụ, quyền hạn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đạt được lợi ích đều là tham nhũng, chỉ khi nào mà mục đích của hành vi đó nhằm đạt được lợi ích không chính đáng thì hành vi đó mới được xem là tham nhũng.

Như vậy, mặc dù có cách nhìn nhận khác nhau về tham nhũng nhưng tất cả các khái niệm đều góp phần cung cấp một góc nhìn đầy đủ hơn về hiện tượng tham nhũng. Tuy nhiên có thể hiểu: Tham nhũng là hành vi sử dụng quyền lực công cộng trái quy định nhằm mục tiêu vụ lợi.

Bản chất của tham nhũng là sử dụng sai lệnh quyền lực để trục lợi. Điều này được mô tả bằng “phương trình” tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế: Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít thông tin - Trách nhiệm giải trình.

Nhìn vào công thức trên nhận thấy: tình trạng độc quyền ngày càng lớn, bưng bít thông tin ngày càng nhiều, trách nhiệm giải trình của quan chức ngày càng thấp thì ở đó tham nhũng phát triển mạnh, và ngược lại. Và tất yếu, muốn PCTN thì phải kiểm soát quyền lực, tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Như vậy, chúng ta khẳng định rằng tham nhũng là một hiện tượng xã hội trong đó những tổ chức, cá nhân lợi dụng những ưu thế về chức vụ, quyền hạn của mình hoặc người khác; lợi dụng những sơ hở của pháp luật để đem lại những lợi ích cho mình. Tham nhũng có thể diễn ra trong tất cả các lĩnh vực và diễn ra ở bất kể chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, ở đâu có quyền lực ở đó có thể phát sinh tham nhũng. Do đó, không thể cố tình xuyên tạc, bóp méo rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo ở Việt Nam.

Thứ hai, mục đích của PCTN đất đai của Đảng và Nhà nước ta là phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đất đai và giải quyết hậu quả do tham nhũng đất đai gây ra, từng bước đẩy lùi tham nhũng đất đai; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Xuyên suốt từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, tại bất kỳ kỳ đại hội nào, Đảng ta đều quan tâm đến tham nhũng và PCTN. Ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng đã nhìn thấy diễn biến đáng lo ngại về tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, từ mức hành vi lộng quyền, tham nhũng mới chỉ bộc lộ ở một số cán bộ và nhân viên cơ quan nhà nước, chỉ sau 10 năm đã trở nên tràn lan, phổ biến, nghiêm trọng, thành vấn nạn cho xã hội. Hậu quả của tham nhũng được Đảng nhận thức là ngày càng nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước; là một trong những nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tay cho thế lực thù địch lợi dụng chống phá, uy hiếp sự tồn vong của chế độ. Tiếp đến, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành...”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2 tiếp tục nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng... ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; tham nhũng... vẫn còn diễn biến phức tạp”. Đây là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Trong công cuộc PCTN, Đảng trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Ngày 02/6/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo quy định, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đồng chí Bí thư Tỉnh/Thành ủy. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta.

Đảng ta xác định: Đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng”. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” đã đưa ra 05 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, 01 trong các nhiệm vụ và giải pháp đó là “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm”, trong đó xác định rõ: “Tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở”.

Đồng thời, Đảng ta nhất quán chủ trương vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chú trọng cả phòng và chống tham nhũng”. Đảng chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo và áp dụng đồng bộ nhiều phương thức PCTN: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN của cán bộ, đảng viên và nhân dân...; giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa không tham nhũng...; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng...; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng...; Kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng...; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách có chức năng PCTN...; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTN...”. Trong các giải pháp PCTN, Đảng đặc biệt quan tâm đến giải pháp “sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị”. Điều này được thể hiện rất rõ trong các quy định của Đảng, cụ thể như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” (trong đó quy định rõ: “cán bộ phải đi đầu trong đấu tranh PCTN; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng... và quyết tâm sửa chữa, khắc phục”); Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (trong đó quy định rõ: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi”; đặc biệt, tại Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” đã xác định rõ: một trong ba nội dung cần phải thực hiện là “nêu gương cán bộ, đảng viên” và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên cần tập trung làm tốt nhiệm vụ “kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân có hành vi không lành mạnh nào”. Đồng thời, một trong 19 điều đảng viên không được làm, được quy định trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, đó là: “Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức”, “thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng tham nhũng;... không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng;... lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng...”.

Thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về PCTN, Nhà nước đã ban hành các Luật về PCTN, cụ thể: Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi năm 2007, năm 2012) và Luật PCTN năm 2018. Nội dung các luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Bên cạnh Luật PCTN, Nhà nước còn ban hành các Luật khác có nội dung về PCTN như: Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự; Luật Tiếp cận Thông tin, Luật Tố cáo, Luật Báo chí....

Sau những năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ đã ra đời. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác PCTN.

Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 xác định quan điểm trong PCTN; các mục tiêu căn bản, lâu dài cũng như những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đề ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ với một kế hoạch thực hiện cụ thể có lộ trình và bước đi thích hợp. Chiến lược này cũng xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội trong việc tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của Chiến lược.

Với quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian vừa qua, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.

Cửa Biển

ẢNH: Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp lần thứ 49 

btvxatruongthanh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới

Bản quyền thuộc UBND xã Trường Thành, huyện An Lão, TP. Hải Phòng

Địa chỉ: Thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng

Số điện thoại/Fax:

Email: